Một số bệnh nhân nhiễm Zika không có biểu hiện lâm sàng nhưng chuyên gia
khuyên bạn cần lưu ý những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh này.
bệnh này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa tuyên bố virus Zika là tình trạng
khẩn cấp y tế công cộng quốc tế bởi những lo ngại ngày càng tăng về khả
năng có thể gây dị tật bẩm sinh. Dự đoán khoảng 4 triệu người có thể bị
nhiễm cho tới cuối năm nay.
Riêng Việt Nam, do đang lưu hành loại muỗi gây nên dịch sốt xuất
huyết (cùng chủng muỗi lan truyền virus Zika) và sự đi lại, giao lưu với
các vùng có dịch nên Bộ Y tế nhận định khả năng xuất hiện bệnh do virus
Zika hoàn toàn có thể xảy ra.
Nhận biết bệnh
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương,
thời gian ủ bệnh Zika khoảng 2-12 ngày sau khi bị muỗi đốt. Khoảng
75-80% số bệnh nhân bị nhiễm virus Zika không có biểu hiện lâm sàng.
Bác sĩ Cấp cho biết, những người cần xét nghiệm để phát hiện virus
Zika trước hết là người bệnh cư trú hoặc đi du lịch tới khu có lưu hành
dịch Zika trong vòng hai tuần trước khi khởi phát bệnh và có ít nhất 2
trong số các triệu chứng lâm sàng.
Biểu hiện để nhận biết Zika:
- Sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân.
- Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược.
- Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.
Chẩn đoán xác định khi bệnh nhân nghi ngờ, có các xét nghiệm khẳng
định căn nguyên như RT-PCR Zika virus dương tính, hay phản ứng huyết
thanh (IgM) dương tính và có hiệu giá kháng thể cao gấp từ 4 lần trở lên
so với hiệu giá kháng thể trung hòa virus Dengue tại cùng thời điểm.
Đối tượng nào dễ mắc virus Zika?
Theo TS. Masaya Kato - đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt
Nam cho biết, lý do WHO nhận định Zika là mối quan ngại đối với y tế
cộng đồng không phải do tốc độ lây lan của virus mà do các biến chứng
nguy hiểm của bệnh này. Đối với trẻ sơ sinh, cụ thể là gây teo não và
hội chứng Guillain-Barré, một loại rối loạn hệ thống miễn dịch tác động
đến thần kinh gây ra hiện tượng yếu cơ ở tay và chân.
Do đó, phụ nữ có thai, đang có ý định và có nguy cơ mang thai là những đối tượng cần cẩn trọng nhất.
Phụ nữ có thai nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm virus Zika cần được
theo dõi siêu âm thai mỗi 3-4 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng
đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi.
Trẻ bị dị tật đầu nhỏ hoặc có tiền sử mẹ nhiễm virus Zika khi mang
thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần và vận động, đánh giá
thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh.
Điều trị như thế nào khi bị bệnh?
Vẫn theo bác sĩ Cấp, hiện không có điều trị đặc hiệu cho bệnh do
virus Zika. Các điều trị hỗ trợ bao gồm nghỉ ngơi, bồi phụ nước, điện
giải, hạ sốt nếu có sốt cao. Người bệnh đặc biệt cần thận trọng khi dùng
Aspirin hay corticoid khi chưa loại trừ được sốt xuất huyết Dengue.
Theo dõi các biểu hiện yếu, liệt cơ sau khi bị bệnh để phát hiện, xử trí sớm hội chứng Gulain-Barre nếu có.
Cách phòng bệnh
Do chưa có vắc xin phòng bệnh nên cách duy nhất chủ yếu là hạn chế
đi đến vùng lưu hành dịch Zika. Các cá nhân trong vùng dịch áp dụng các
biện pháp hạn chế muỗi đốt như: Mặc quần áo kín, sáng màu, dùng các
thuốc xua đuổi côn trùng, nằm màn.
Tại vùng có dịch cần triển khai các biện pháp diện muỗi như: Đảm bảo
vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng đọng nước như các mảnh vỡ, lốp
xe, vỏ lon, vũng nước đọng. Đậy kín các chum, bể hoặc thả cá diệt loăng
quăng, diệt muỗi bằng bẫy, vợt,...
Cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm virus Zika.
(Theo zing.vn)