Ngày 08 tháng 07 năm 1994, Thủ tướng Chính phủ kí Quyết định 350/TTg về việc thành lập trường Đại học Dân lập Phương Đông (ĐHDL Phương Đông) và Quy chế hoạt động của Trường.
Ngày 24 tháng 10 năm 1994, trường ĐHDL Phương Đông tổ chức khai giảng khoá học đầu tiên (Khoá 1) trong đó có các sinh viên của khoa Ngoại ngữ. Do vậy, ngày 24 tháng 10 năm 1994 cũng là ngày ra đời của khoa Ngoại ngữ, ĐHDL Phương Đông.
Từ đó đến nay đã 30 năm, khoa Ngoại ngữ vinh dự đảm nhận trọng trách của trường ĐHDL Phương Đông giao phó là đào tạo các cử nhân ngoại ngữ và thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (NCKH) phục vụ cho công tác giảng dạy ngoại ngữ. Qua 30 năm xây dựng và phát triển, khoa Ngoại ngữ đã lớn mạnh không ngừng, đạt được những thành tích to lớn và ngày nay trở thành một trong những khoa trụ cột của ĐHDL Phương Đông mà nền tảng cốt lõi chính là thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.
I. Nhiệm vụ đào tạo
Ngay từ khoá khai giảng đầu tiên ngày 24 tháng 10 năm 1994, khoa Ngoại ngữ tổ chức đào tạo bậc đại học cho 6 ngành ngôn ngữ: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức và Nhật. Tuy nhiên, do nhu cầu xã hội, từ năm 2010 đến nay, khoa Ngoại ngữ hiện chỉ đào tạo 3 ngành: Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc và Ngôn ngữ Nhật. Với 25 khoá sinh viên đã ra trường (kể từ khoá tốt nghiệp đầu tiên năm 1998), khoa Ngoại ngữ đã cung cấp cho xã hội hơn 8000 cử nhân ngoại ngữ. Các sinh viên tốt nghiệp này làm việc ở nhiều vị trí khác nhau: giáo viên, biên dịch, phiên dịch, doanh nghiệp, báo chí, xuất bản,… Ở mỗi vị trí việc làm, họ đều phát huy tốt những kiến thức được học hỏi trong nhà trường để đóng góp hữu ích cho xã hội.
Trong những năm trở lại đây, khoa Ngoại ngữ đã có bước phát triển mạnh mẽ xuất phát từ nhu cầu của xã hội đối với ngoại ngữ ngày một cao và sự thích ứng nhạy bén, kịp thời của khoa Ngoại ngữ để có thể đáp ứng nhu cầu đó của xã hội. Sự phát triển vượt bậc này được thể hiện bằng các con số thống kê về số lượng và chất lượng sinh viên được đào tạo tại Khoa. Đi đôi với những thành tích đào tạo đạt được là những nền tảng căn bản, cốt lõi mà khoa Ngoại ngữ tạo dựng nhằm hỗ trợ cho việc đào tạo.
1. Quy mô đào tạo (con số thống kê 5 năm trở lại đây)
Khoa Ngoại ngữ có quy mô đào tạo lớn, thể hiện:
- Hàng năm giảng dạy cho khoảng 2500 đến 2800 sinh viên sinh viên chuyên ngữ (cả 4 khoá học).
- Giảng dạy Ngoại ngữ 2 cho khoảng 1500 sinh viên chuyên ngữ (các Ngoại ngữ 2 sinh viên được chọn gồm 7 ngôn ngữ: Anh, Trung, Nhật, Hàn, Italy, Bồ Đào Nha).
- Giảng dạy tiếng Anh cơ sở (GE) cho sinh viên toàn trường ĐHDL Phương Đông với quy mô khoảng 2500 sinh viên.
2. Cập nhật, đổi mới Chương trình đào tạo
Theo sự chỉ đạo của trường ĐHDL Phương Đông, cứ sau 5 năm Chương trình đào tạo đại học và Chuẩn đầu ra của khoa Ngoại ngữ phải được cập nhật và đổi mới. Chương trình đào tạo trình độ đại học và Chuẩn đầu ra chuyên ngành các ngôn ngữ Anh, Trung Quốc và Nhật mới nhất đã khoa Ngoại ngữ hoàn thiện và được Hiệu trưởng nhà trường kí Quyết định ban hành số 625/QĐ – ĐHPĐ – ĐT ngày 29/09/2023.
3. Xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lí
Xây dựng đội ngũ giảng viên đạt chuẩn và nhóm cán bộ quản lí sinh viên chuyên nghiệp là nền tảng của việc đào tạo.
- Hiện nay, khoa Ngoại ngữ có đội ngũ gồm 48 giảng viên cơ hữu và 17 bán cơ hữu (hợp đồng dài hạn) trong đó có 3 Giáo sư; 8 Phó giáo sư, 8 Tiến sĩ và 46 giảng viên đều có bằng Thạc sĩ chuyên ngành. Khoa cũng mời thêm khoảng 50 giảng viên thỉnh giảng là những người có trình độ chuyên môn cao tham gia giảng dạy.
- Đội ngũ cán bộ chuyên trách, có tính chuyên nghiệp cao có chức năng điều hành công việc giáo vụ và quản lí sinh viên giúp hoạt động đào tạo của khoa Ngoại ngữ luôn ổn định, nề nếp.
4. Hợp tác đào tạo
Hiện tại, khoa Ngoại ngữ có quan hệ hợp tác rộng rãi và toàn diện.
- Ngành ngôn ngữ Anh có quan hệ hợp tác đào tạo với University of Iasi (Rumania) với sự hỗ trợ của Chương trình Erasmus. Đến nay, Khoa đã cử 6 cán bộ, giảng viên của ngành ngôn ngữ Anh sang trao đổi, giảng bài tại University of Iasi. Khoa cũng đã cử 4 sinh viên xuất sắc nhận học bổng của Chương trình Erasmus sang học tại trường đại học này trong thời gian 1 học kì (4 tháng).
- Ngành ngôn ngữ Trung Quốc có quan hệ hợp tác đào tạo với Học viên Sư phạm Khoa học Kĩ thuật Quảng Tây và Đại học Kĩ thuật Điện tử Quế Lâm (CHND Trung Hoa). Hàng năm, khoa Ngoại ngữ cử khoảng 70 sinh viên sang du học tại hai trường này trong thời gian 1 học kì (5 tháng).
- Ngành ngôn ngữ Nhật có quan hệ hợp tác đào tạo với Đại học Thương mại Takasaki, Học viện Anabuki và Đại học Toa (Nhật Bản). Hàng năm, một số sinh viên của các trường này sang tìm hiểu văn hoá, thực tập tại khoa Ngoại ngữ và ngược lại khoảng 6 sinh viên sang du học tại các trường đại học nói trên trong thời gian 1 năm.
Trong hợp tác đào tạo, Khoa còn mời các giảng viên với tư cách là chuyên gia đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Canada, Rumania,…tham gia giảng dạy.
5. Tạo môi trường thực hành ngoại ngữ
Khoa Ngoại ngữ chủ trương liên kết với các tổ chức, công ty trong và ngoài nước để tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội đến các tổ chức, công ty đó thực tập để nâng cao trình độ ngoại ngữ thông qua thực tế làm việc. Chủ trương này gồm 2 hướng chính:
Tìm cơ hội thực tập cho sinh viên ở các công ty trong nước
Khoa Ngoại ngữ liên kết với các đơn vị như Tập đoàn Boway ở Bắc Giang, Tập đoàn Hoa Lợi Đạt ở Quảng Ninh và Hải Phòng),…để các sinh viên học ngôn ngữ Trung Quốc thực hành ngoại ngữ mình học tại các doanh nghiệp.
Tìm cơ hội thực tập cho sinh viên ở các công ty ngoài nước
Khoa Ngoại ngữ liên kết với các đơn vị như Văn phòng học bổng Giáo dục Quốc tế (Đài Loan), Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Sunrise Việt Nhật, Công ty Tiến bộ Quốc tế EK, Hiệp Hội hữu nghị Fukushima – Việt Nam,… để đưa sinh viên học ngôn ngữ Trung Quốc sang thực tập 1 năm ở Đài Loan và sinh viên học ngôn ngữ Nhật sang thực tập tại Nhật Bản 1 năm theo hình thức Internship.
II. Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học
Xác định nhiệm vụ nghiên cứu khoa học (NCKH) là một nhiệm vụ trọng tâm song song với nhiệm vụ đào tạo, Ban Chủ nhiệm khoa Ngoại ngữ luôn quan tâm, có những biện pháp cụ thể để tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên tham gia thực hiện các đề tài NCKH các cấp; viết các bài báo đăng tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước; tham gia các hội thảo khoa học, các chương trình thực tập; biên soạn giáo trình, tài liệu bổ trợ môn học,… Sau đây là các thành tích NCKH của cán bộ, giảng viên trong 5 năm qua (từ 2020 đến 2024) qua các con số thống kê:
1. Thực hiện đề tài khoa học
Các giảng viên cơ hữu và đặc biệt là các giảng viên bán cơ hữu của khoa đã thực hiện 6 đề tài cấp Nhà nước, 1 đề tài cấp Bộ, 1 đề tài cấp Viện, 1 đề tài cấp Trường và 1 đề tài cấp Khoa.
Các sinh viên khoa Ngoại ngữ thực hiện tổng cộng 33 đề tài cấp Trường và 24 đề tài cấp Khoa.
2. Đăng bài viết ở các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài trường
Các giảng viên cơ hữu và giảng viên bán cơ hữu của Khoa có 6 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế, 7 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước và 102 bài viết đăng trên Tập san Nghiên cứu Khoa học và Kỉ yếu Hội thảo Khoa học của khoa Ngoại ngữ.
Trong 3 năm gần đây kể từ khi Tập san Nghiên cứu Khoa học và Kỉ yếu Hội thảo Khoa học ra mắt, các sinh viên của khoa Ngoại ngữ đã đóng góp tổng cộng 27 bài viết.
3. Biên soạn sách, giáo trình, tài liệu bổ trợ môn học
Các giảng viên cơ hữu và bán cơ hữu của khoa Ngoại ngữ đã biên soạn và tham gia biên soạn 5 cuốn sách được xuất bản, 21 tài liệu bổ trợ môn học lưu hành nội bộ.
4. Tham gia hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước
Các giảng viên cơ hữu và bán cơ hữu của Khoa đã tham gia và có 11 bài viết đăng trên kỷ yếu hội thảo Quốc tế; 9 bài viết đăng trên kỷ yếu hội thảo cấp Nhà nước, 1 bài viết đăng trên kỷ yếu hội thảo cấp Tỉnh và 2 bài viết đăng trên hội thảo cấp Trường.
5. Ra mắt tập san khoa học định kỳ hàng năm
Kể từ năm học 2021-2022, khoa bắt đầu cho ra mắt Tập san Nghiên cứu Khoa học định kỳ hàng năm. Tập san Nghiên cứu Khoa học năm 2022 tập hợp được 37 bài viết và Tập san Nghiên cứu Khoa học năm 2023 đã công bố 27 bài viết. Năm 2024, nhân dịp 30 năm ngày thành lập, khoa Ngoại ngữ tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề Dạy và học ngoại ngữ trong xu thế hội nhấp quốc tế cùng với hội thảo là Kỉ yếu Hội thảo Khoa học gồm 38 bài viết.
Có thể khẳng định, Tập san Nghiên cứu Khoa học thường niên được xem là hình thức phù hợp tạo điều kiện cho giảng viên và cả sinh viên khoa Ngoại ngữ công bố các sản phẩm NCKH trong năm học.
Việc các giảng viên tham gia NCKH vừa có tác dụng giúp giảng viên thực hiện nhiệm vụ được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định vừa có tác dụng thiết thực là phục vụ công việc giảng dạy chất lượng hơn, hiệu quả hơn.
Những thành tựu trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trong 30 năm qua sẽ là nền tảng, là bệ đỡ cho khoa Ngoại ngữ, ĐHDL Phương Đông bay cao hơn, bay xa hơn trong tương lai.
Chủ nhiệm khoa Ngoại ngữ
PGS. TS. Vũ Kim Bảng